19/06/2024
Ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) góp tới 80% vốn điều lệ vào doanh nghiệp liên kết xuất bản “CD lợi ích của người biết tin nhân quả”.
Chân dung doanh nghiệp xuất bản CD huyễn hoặc
Những ngày qua, Báo Công Thương đã có nhiều bài phản ánh xoay quanh những vấn đề liên quan tới Thượng tọa Thích Chân Quang.
Mới nhất là bài báo có tiêu đề “Sự huyễn hoặc của Thượng tọa Thích Chân Quang được một nhà xuất bản công nhận?”, đăng trên Báo Công Thương, ngày 17/6.
Bài báo thông tin về việc, những bài giảng có phần huyễn hoặc, phi thực tế của Thượng tọa Thích Chân Quang đã được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh công nhận và cho phép xuất bản thành đĩa CD.
Thượng tọa Thích Chân Quang góp tới 80% vốn điều lệ lập Công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang.
Cụ thể, ngày 5/7/2019, bà Đinh Thị Thanh Thuỷ, khi đó là Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã ký ban hành Quyết định số 724/QĐ-TTTPHCM-2019, quyết định xuất bản xuất bản phẩm có tên “CD Lợi ích của người biết tin nhân quả”, của tác giả – dịch giả Thượng tọa Thích Chân Quang.
Xuất bản phẩm này được biên tập bởi Biên tập viên Trần Thị Anh; đối tác liên kết xuất bản là Công ty TNHH Văn hoá Pháp Quang; số lượng in 1.000 bản; mã số sách tiêu chuẩn quốc tế – ISBN: 978-604-58-9510-8; xuất bản phẩm cũng được in luôn tại Công ty TNHH Văn hoá Pháp Quang.
Tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, Công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang được thành lập từ tháng 7/2004, đặt trụ sở tại số 28 Hoàng Diệu, phường 10, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là “nhân bản, sao chép băng đĩa”.
Lần theo thông tin doanh nghiệp này, phóng viên Báo Công Thương phát hiện sự thật khá bất ngờ. Cụ thể, theo đăng ký thay đổi ngày 13/09/2016, danh sách thành viên góp vốn thành lập Công ty TNHH Văn Hóa Pháp Quang gồm: Ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang), ông Phan Văn Phước, và ông Lê Nhật Tân.
Trong đó, Thượng tọa Thích Chân Quang đăng ký góp 2,4 tỷ đồng để sở hữu 80% vốn điều lệ, ông Phan Văn Phước và ông Lê Nhật Tân mỗi cá nhân đăng ký góp 300 triệu đồng, qua đó mỗi người sở hữu 10% vốn điều lệ.
Từ năm 2016 đến năm 2022 doanh nghiệp này nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, trong đó chủ yếu thay đổi các thành viên góp vốn. Tuy nhiên riêng Thượng Tọa Thích Chân Quang vẫn luôn giữ vững tỷ lệ góp vốn là 2,4 tỷ đồng không thay đổi.
Website: congtyphapquang.com đăng tải, giao bán nhiều sách của tác giả Thích Chân Quang. (Ảnh chụp màn hình),
Bán sách phật, đồ thờ cúng và thực phẩm chức năng
Trên website: congtyphapquang.com giới thiệu Công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang là chủ sở hữu của website có tên miền congtyphapquang.com và website tên miền: congtyphapquang.vn. Đồng thời cũng là chủ sở hữu của ứng dụng trên thiết bị di động “Pháp Quang”.
Đối với website: congtyphapquang.vn, đây là tên miền được đăng ký từ ngày 18/10/2018, ngày hết hạn là 18/10/2026. Đặc chú ý, tên chủ thể đăng ký sử dụng tên miền này là ông Vương Tấn Việt – tức Thượng tọa Thích Chân Quang. Tuy nhiên, thời điểm ngày 18/6/2024 website này không thể truy cập được.
Rất nhiều hình ảnh tượng phật, tranh được rao bán trên website: congtyphapquang.com
Còn tại website congtyphapquang.com, giới thiệu và bán rất nhiều loại sách như Kinh sách phật giáo, Truyện tranh Đỉnh núi tuyết – Cuộc đời Đức phật, hay Tượng – Tranh Phật, Tranh nhân quả, Dụng cụ thờ cúng, Máy nghe pháp, thẻ nhớ, hàng lưu niệm, thực phẩm chức năng…
Trong đó có nhiều sách kinh Phật được rao bán mới mức giá hơn 100 nghìn đồng, và nhiều sách đề tác giả là Thượng tọa Thích Chân Quang, như: Tứ Diệu Đế – Bản tuyên ngôn của Phật (Tập 1: Khổ Đế) giá 140 nghìn đồng; Nhân quả là chìa khóa của những điều bí ẩn, giá 85 nghìn đồng; Nghiệp và Kết quả, tái bản lần thứ 9 năm 2023, có giá 120 nghìn đồng; Triết lý về tiền bạc, có giá 55 nghìn đồng; Luận về Nhân quả, giá 95 nghìn đồng;…
Ngoài ra, website này còn rao bán rất nhiều tượng và tranh Phật có giá từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng. Đơn cử như: Tượng Phật Thích Ca, cao 50cm (có đài sen) được giao bán 1.750 nghìn đồng; Tượng Phật Thích Ca, cao 68,8cm (không có đài sen) có giá 2.660 nghìn đồng; Tượng Phật Thích Ca, cao 90cm (có đài sen), giá bán 5,250 triệu đồng; Tranh Phật Thích Ca Đản Sinh – ép gỗ 60x80cm, có giá 500 nghìn đồng;….
Hay website cũng đăng tải bán rất nhiều dụng cụ thờ cúng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.