Những rạn nứt khác
Mỹ và nhiều nước châu Âu cũng không có cùng tiếng nói trong các vấn đề khác, trong đó có lộ trình Ukraine gia nhập NATO – khi Washington vẫn giữ thái độ thận trọng và việc liệu có sử dụng các tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ tài chính cho Kiev hay không – một nỗ lực mà Mỹ và Ukraine ủng hộ song phần lớn châu Âu phản đối.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không né tránh các cuộc công kích trực tiếp vào Tổng thống Biden khi nói với các phóng viên ở Brussels hôm 28/5 rằng nếu Tổng thống Mỹ bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Ukraine tổ chức vào tháng tới ở Thụy Sĩ thì rất có thể, “sự vắng mặt của ông sẽ chỉ được hoan nghênh bởi Tổng thống Putin”.
“Tổng thống Ukraine không vui với quyết định của Tổng thống Mỹ khi không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ở Thụy Sĩ về Ukraine”. Mikhail Ulyanov, Đặc phái viên của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, viết trên mạng xã hội X.
Hội nghị ở Thụy Sĩ này không có sự tham gia của Nga và các quan chức Moscow coi đây là một vở kịch chính trị không có cơ hội đưa ra một thỏa thuận để chấm dứt xung đột. Ukraine muốn sử dụng nó để đảm bảo sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế cho tầm nhìn của họ.
Sự giận dữ của Tổng thống Zelensky không chỉ dành riêng cho Nhà Trắng. Các nhà ngoại giao và các quan chức ở Kiev cho biết, Tổng thống đã sa thải một số nhân vật cấp cao của Ukraine, những người được coi là thân cận nhất với Washington trong những tuần gần đây.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh những khía cạnh cốt lõi của mối quan hệ vẫn bền chặt, đồng thời chỉ ra sự hợp tác sâu sắc giữa Washington và Kiev trong đó có việc hỗ trợ quân sự. Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng tới ở Italy và các quan chức đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận an ninh với Kiev.
Dù vậy, những vết nứt mới vẫn xuất hiện hàng ngày. Vào 29/5, một quan chức Mỹ cho biết Washington đã bày tỏ mối lo ngại với Kiev về những cuộc tấn công của Ukraine, sử dụng các vũ khí của nước này nhắm vào các trạm radar của Nga, nơi cung cấp hệ thống phòng không theo quy ước và cảnh báo sớm về các vụ phóng hạt nhân của phương Tây.
Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết, một số bất đồng xuất phát từ những căng thẳng tự nhiên, nảy sinh trong mối quan hệ đối tác trong hơn 2 năm xung đột khi số người Ukraine thiệt mạng ngày càng gia tăng.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi nhận thấy người Nga ngày càng quyết đoán hơn”. Ông cho rằng việc không đẩy lùi được các lực lượng của Moscow cuối cùng sẽ gây ra bất ổn trên toàn khu vực.
Nga “thấy rằng họ có thể tiếp tục. Vì vậy, câu hỏi của tôi là có những lý do nào để tin rằng việc cho phép Ukraine tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp là hành động leo thang? Nếu có những lý do chính đáng để lo lắng thì tôi chưa thấy lý lẽ nào”.
Giới lãnh đạo Ukraine cho biết, những hạn chế của Mỹ với việc tấn công lãnh thổ Nga đã cho phép Điện Kremlin xây dựng lực lượng mặt đất trong mùa xuân này và tấn công vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine khi biết rằng Kiev bị giới hạn khả năng.