Bộ Kinh tế Hungary trước đó đã chỉ trích gay gắt động thái của châu Âu nhằm áp đặt cái mà họ gọi là mức thuế bổ sung “tàn bạo” đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, có hiệu lực tạm thời vào tuần trước.
Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và châu Âu về thuế quan dự kiến sẽ tiếp tục trước khi các thành viên EU bỏ phiếu vào cuối năm nay về việc có nên áp dụng thuế trong năm năm hay không.
Hungary được cho là tiếng nói hữu ích cho Bắc Kinh trong việc gây sức ép buộc các nước láng giềng châu Âu nếu không thể xóa bỏ hoàn toàn thuế quan thì ít nhất cũng phải giảm bớt thuế quan.
Hungary cũng đang trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng cho các công ty Trung Quốc. Khi ông Tập Cận Bình đến thăm Budapest vào tháng 5, hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận khi họ thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh ở kỷ nguyên mới”.
Ông Gabor Seprenyi, cựu nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Hungary ở Tokyo, cho biết chuyến thăm Trung Quốc của ông Orban không thể chỉ được xem xét trong bối cảnh song phương, khi mà ông Tập vừa dành ba ngày ở Hungary.
“Hungary có rất nhiều rủi ro trong việc EU áp thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc. Hungary đã đặt cược sớm vào việc tham gia vào xu hướng xe điện với sự hỗ trợ bởi các khoản đầu tư từ Trung Quốc và chiến lược này vừa mới bắt đầu có hiệu quả. Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đang xây dựng nhà máy lớn nhất của mình tại Liên minh châu Âu (EU) ở Hungary và một số nhà sản xuất pin của Trung Quốc, bao gồm CATL, đang đổ xô đến Hungary”, ông Seprenyi cho hay.
Trong khi hoạt động sản xuất tại địa phương này có thể giúp bảo vệ các công ty Trung Quốc khỏi thuế quan, thì các hành động trả đũa leo thang cũng có thể gây nguy hiểm.