“Kể từ tháng 9/2023, Triều Tiên đã chuyển giao hơn 10.000 container đạn dược hoặc vật liệu liên quan đến đạn dược cho Nga”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 23/2.
Triều Tiên hiện chưa lên tiếng về thông tin trên.
Vào tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng tiết lộ Triều Tiên đã chuyển hơn 1.000 container thiết bị quân sự và đạn dược cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Nhà Trắng cho biết, ngoài đạn dược, Triều Tiên còn cung cấp cho Nga vài chục tên lửa đạn đạo, một số trong số đó đã được bắn vào Ukraine vào các ngày 30/12, 2/1 và 6/1.
Theo giới chức Mỹ, các tên lửa của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 900km và việc Bình Nhưỡng hỗ trợ Nga là hành động leo thang “đáng kể và đáng lo ngại”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó khẳng định cáo buộc của phương Tây về việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga là không có bằng chứng.
Ông Peskov nói rằng Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với Triều Tiên. “Đây là quyền chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi nghĩ rằng không ai có quyền can thiệp vào việc này”, ông Peskov tuyên bố.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 22/2 cho biết, Mỹ sẽ áp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu liên quan tới Nga. Cụ thể, Mỹ sẽ nhắm đến các tổ hợp công nghiệp quân sự Nga và các công ty ở nước thứ ba giúp Moscow tiếp cận nguồn cung hàng hóa mà nước này muốn.
Ông Adeyemo nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt nhằm đảm bảo Nga không thể tiếp cận được hàng hóa cần thiết để chế tạo vũ khí và làm chậm khả năng tiếp cận các nguồn thu của Nga.
EU tuần này cũng thông qua gói trừng phạt thứ 3 đối với Nga. Lệnh trừng phạt nhằm vào 106 cá nhân, 88 tổ chức có liên quan đến Nga.
Biện pháp trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào lĩnh vực quân sự và quốc phòng, cùng với các cá nhân liên quan cũng như các thành viên của cơ quan tư pháp.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng hạn chế buôn bán hàng hóa có công dụng kép cũng như công nghệ và linh kiện điện tử có thể được tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga sử dụng. Các linh kiện để phát triển và sản xuất máy bay không người lái cũng bị đưa vào danh sách hạn chế.
Nga đã chỉ trích lệnh trừng phạt của EU là phi pháp. Đáp lại, Moscow mở rộng danh sách trừng phạt các đại diện của EU.
Hồi tháng 1, người đứng đầu đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ngoại trưởng của khoảng 47 quốc gia khác gồm Argentina, Australia, Guatemala, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã lên án cáo buộc chuyển giao vũ khí của Triều Tiên cho Nga.
Tuyên bố chung ngày 10/1 cáo buộc việc mua bán và cung cấp vũ khí giữa Bình Nhưỡng và Moscow vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có hiệu lực từ năm 2006 nhằm đáp trả chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.