Trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, các nước thành viên NATO tuyên bố không công nhận việc Nga sáp nhập các khu vực mới ở Ukraine cũng như bán đảo Crimea.
Năm 2014, Nga tuyên bố sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Nga tiếp tục tuyên bố sáp nhập 4 vùng ở Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk.
Đến nay, Nga vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh này. Ukraine và phương Tây cũng không công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo NATO cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine, cũng như khỏi Moldova và Georgia. NATO cũng đổ lỗi cho Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, khiến “hàng nghìn dân thường thiệt mạng và gây ra thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng dân sự”.
Cáo buộc đe dọa hạt nhân
Các nhà lãnh đạo NATO chỉ trích “tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm và phát tín hiệu hạt nhân của Nga, bao gồm việc Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, thể hiện lập trường đe dọa chiến lược”.
“Nga đã tăng cường sự phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí hạt nhân và tiếp tục đa dạng hóa lực lượng hạt nhân, bao gồm việc phát triển các hệ thống hạt nhân mới và triển khai các khả năng tấn công kép tầm ngắn và tầm trung, tất cả đều đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với liên minh”, tuyên bố chung nêu rõ.
NATO cũng cáo buộc Nga đã vi phạm nghĩa vụ kiểm soát vũ khí, “do đó làm suy yếu cấu trúc kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu”.