Chuyên gia quân sự Nga Alexander Mikhailov nhận định video không cho thấy toàn bộ tên lửa ATACMS, nên ông cho rằng cụm thiết bị dẫn đường này có thể được Nga lấy từ quả đạn bị phòng không bắn hạ.
Theo ông, con quay hồi chuyển laser vòng là sản phẩm đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao. Chỉ ba quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất thiết bị này ở quy mô công nghiệp là Mỹ, Pháp và Nga.
“Điều quan trọng là cụm thiết bị này hiệu chỉnh đường bay cho tên lửa ATACMS bằng tín hiệu GPS, cho thấy hệ thống dẫn đường GPS của Mỹ định hướng cho các quả đạn”, ông Mikhailov nói. “Nếu vệ tinh Mỹ không tham gia dẫn đường, ATACMS sẽ không phải tên lửa có độ chính xác cao”.
Ông Mikhailov cho biết mảnh vỡ tên lửa ATACMS không chỉ cung cấp cho các chuyên gia Nga thông tin về linh kiện bên trong quả đạn, mà còn cho phép họ xác định kênh liên lạc và cách điều khiển tên lửa. Từ đó, các chuyên gia Nga có thể hiểu nguyên tắc nào giúp tên lửa ATACMS có độ chính xác cao.
Ông Litovkin tuyên bố Nga đang gửi thông điệp rằng “công nghệ quân sự phương Tây không còn là bí mật và chúng tôi ngày càng tìm ra nhiều cách chống lại chúng”. “Chúng tôi đã cho mọi người thấy ‘thuốc giải’ đối với những loại thiết bị quân sự mà phương Tây ca ngợi, quảng bá nhiều nhất”, ông nói.
“Phương Tây nên biết rằng mọi nỗ lực của họ đều là vô ích, vũ khí và biện pháp đối phó của Nga hiệu quả hơn nhiều so với xe tăng, tên lửa và súng pháo của phương Tây”, Litovkin tuyên bố. “Đây là tín hiệu gửi cho toàn thế giới rằng vũ khí phương Tây không thể sánh được với sản phẩm Nga”.
Mỹ đầu tháng 4 bí mật chuyển giao tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn 300 km cho Ukraine. Kiev sau đó nhiều lần dùng vũ khí này để tấn công mục tiêu trên bán đảo Crimea và các khu vực khác nằm sâu trong khu vực Nga kiểm soát.