12/07/2024
Trước nguy cơ bệnh bạch hầu xâm nhập vào địa bàn, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh bạch hầu.
Nhân viên y tế tiêm vacvine phòng bệnh bạch hầu cho người dân tại Trung tâm tiêm chủng VNVC (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Chiều 11/7, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn phòng, chống bệnh bạch hầu cho 30 quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trong và ngoài công lập trên địa bàn theo hình thức trực tuyến.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị, các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND thành phố và Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; theo dõi chặt chẽ, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tham mưu, đề xuất và triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để dịch lây lan và bùng phát trên địa bàn.
Tại buổi tập huấn, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã triển khai hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh bạch hầu và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời, cập nhật thông tin, giải đáp, hướng dẫn quy trình chuyên môn phòng, chống bệnh bạch hầu cho các đơn vị.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn gửi các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Sở Y tế yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý bệnh bạch hầu cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã; lưu ý các biện pháp phòng, chống cũng như vệ sinh khử khuẩn tại các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… Trung tâm giám sát chặt tình hình tại các cơ sở y tế được phân công; đồng thời thường xuyên tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trong ngành để kịp thời báo cáo và tham mưu Sở Y tế trong việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các đơn vị rà soát tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với các báo, đài đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh bạch hầu như: đi tiêm chủng đầy đủ vaccine; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh…
Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý bệnh bạch hầu cho các trạm y tế; yêu cầu các trạm hướng dẫn các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn xã, phường, thị trấn biết và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chủ động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan; rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng, tiêm bổ sung ngay đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng và tiêm vét cho tất cả đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ; đặc biệt là đối với các loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu. Các trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu bệnh bạch hầu; đảm bảo thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn để thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh nhằm chủ động giám sát, xử lý dịch tại cộng đồng.