Một số lý giải
Nhìn tổng quát, cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay về cơ bản có thể được lý giải tiếp cận từ hai góc độ chính sau:
Thứ nhất, từ góc độ chủ nghĩa hiện thực chính trị, khi tìm hiểu về quy luật vận động và đấu tranh của nền chính trị quốc tế. Nằm trên lục địa Âu – Á, Ukraine là “vùng đệm tự nhiên” giữa Đông và Tây. Cả Nga và phương Tây đều cho rằng, bên kia là mối nguy cơ an ninh, đe dọa sự tồn tại của mình. Theo Nga, việc Ukraine xin gia nhập NATO sẽ làm mất cân bằng cán cân quyền lực an ninh ở sườn phía tây của Nga, đe dọa đến không gian sinh tồn của nước Nga, mất vùng đệm chiến lược, suy giảm ảnh hưởng địa – chính trị từng có trong thời kỳ Liên Xô, do đó Nga phải hành động kịp thời để ngăn chặn mối nguy cơ an ninh này để duy trì “vùng đệm an ninh” sống còn, chống lại nỗ lực mở rộng ảnh hưởng về phía tây của NATO. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây lý giải đó là việc họ cần làm để ngăn chặn Nga nổi lên ở khu vực. Điều này sẽ đe dọa đến an ninh châu Âu (khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ), đoàn kết nội khối NATO, vai trò lãnh đạo toàn cầu và một trật tự quốc tế có lợi cho Mỹ. Nghiên cứu tiêu biểu về vấn đề Ukraine có thể kể đến cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski với cuốn sách “Bàn cờ lớn” (The Grand Chessboard) và học giả người Mỹ về quan hệ quốc tế John Mearsheimer với nhiều tác phẩm, như “Cân bằng khơi xa: Đại chiến lược ưu việt của Mỹ”(1), “Đừng cung cấp vũ khí cho Ukraine”(2)…, bày tỏ rõ quan điểm rằng khi Liên Xô sụp đổ, không còn một cường quốc chi phối khu vực nào khác tồn tại, Mỹ lẽ ra nên giảm dần sự hiện diện quân sự tại đây, xây dựng quan hệ thân thiện hơn với Nga và giao trả nhiệm vụ bảo vệ an ninh châu Âu cho người châu Âu. Thay vào đó, trên thực tế Mỹ lại mở rộng NATO và “phớt lờ” các lợi ích của Nga, góp phần châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine và nhiều xung đột khác. Ở góc độ tiếp cận này, sẽ thấy rõ hai khung luận điểm chính, đó là: 1- Chủ nghĩa bá quyền toàn cầu/khu vực – chính trị cường quyền; 2- Sự trở lại rõ nét của tư duy địa – chính trị trong thế kỷ XXI, nhất là tư duy về vùng đệm, sân sau, biên giới, phên giậu.
Thứ hai, từ góc độ chủ nghĩa kiến tạo và chủ nghĩa tự do – gốc rễ là sự xung đột không thể giải quyết giữa hai nền văn minh Anglo-Saxon và Slavo, là phản ứng trước sự bành trướng địa – chính trị của những người Anglo – Saxon dưới lớp vỏ lan rộng của toàn cầu hóa muốn thống trị toàn bộ châu Âu. Người Slavo cho rằng, đây là sự trở lại không gian lịch sử và vị trí của họ trên thế giới mà đại diện là Nga. Bên cạnh đó, có thể kể đến yếu tố chủ nghĩa dân tộc của Nga với lòng tự hào, tự tôn dân tộc rất cao. Đối với Nga, tình trạng suy giảm của kinh tế – trật tự xã hội trong nước và việc Nga phải từ bỏ ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên toàn cầu chính là hậu quả của việc Liên Xô sụp đổ. Quá khứ hào hùng của nước Nga đã tạo nên tinh thần dân tộc cao độ. Mặc dù nước Nga chịu tổn thất nặng nề về người và của trong Chiến tranh thế giới thứ hai song những đóng góp quan trọng của Nga trong việc duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh thế giới chính là sự khẳng định vị thế của Nga trên trường quốc tế. Xét về góc độ lịch sử văn hóa, các nhà phân tích cho rằng xung đột quân sự Nga – Ukraine phần nào xuất phát từ tinh thần chủ nghĩa dân tộc cao ở Nga. Đồng thời, cuộc xung đột còn có thể được lý giải xuất phát từ sự bá quyền tự do của Mỹ, khiến Mỹ cam kết, xuất khẩu, phổ biến các giá trị dân chủ đến tận những nơi xa lạ, nghĩa là cần phải có lực lượng quân sự chiếm đóng đi cùng và phải luôn can thiệp vào các dàn xếp chính trị của các khu vực. Điều này thường gây ra sự chống đối của những người theo chủ nghĩa dân tộc. Nga coi việc Mỹ can thiệp và áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền đối với Nga là nguy cơ gây mất ổn định chính trị nội bộ.