Toàn cảnh vụ tấn công
Vài phút sau khi ông Trump có mặt tại sự kiện vận động tranh cử ở Pennsylvania, một loạt tiếng súng vang lên khiến đám đông tham gia sự kiện hoảng loạn. Sau tiếng súng đầu tiên, người ta thấy cựu Tổng thống Trump bị chảy máu ở tai phải và cúi đầu xuống, bịt tai lại khi nghe những tiếng súng tiếp theo. Các mật vụ ngay sau đó đã hộ tống ông Trump vào trong xe và đưa tới bệnh viện.
Tại hiện trường, một người tham dự sự kiện đã thiệt mạng và hai người bị thương nặng. Mật vụ Mỹ đã bắn hạ kẻ xả súng.
Rạng sáng 14-7 (theo giờ Mỹ), đài CNN dẫn thông báo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng cơ quan này xác định Thomas Matthew Crooks là nghi phạm bắn ông Trump.
“FBI đã xác định Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, ở Bethel Park, bang Pennsylvania, là đối tượng liên quan vụ ám sát cựu Tổng thống Donald Trump vào ngày 13-7, tại TP Butler, bang Pennsylvania” – tuyên bố của FBI nêu.
“Tôi bị một viên đạn bắn xuyên qua phần trên tai phải. Tôi biết ngay có điều gì đó không ổn khi nghe thấy tiếng rít, tiếng súng và ngay lập tức cảm thấy viên đạn xé toạc da mình. Máu chảy nhiều và lúc đó tôi nhận ra chuyện gì đang xảy ra” – ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social sau vụ việc.
Ngày 13-7, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một email tới những người ủng hộ ông với một thông điệp ngắn gọn: “ĐÂY LÀ THÔNG ĐIỆP TỪ DONALD TRUMP. TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC!”
Đài CNN dẫn nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật rằng kẻ xả súng đã trèo lên mái nhà, đứng trên nóc tòa nhà ngay bên ngoài địa điểm cuộc vận động tranh cử để nổ súng. Cơ quan thực thi pháp luật cũng cho biết sẽ điều tra vụ việc theo hướng đây là một âm mưu ám sát.
Vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Trump đã gây ra sự phẫn nộ lớn trong giới chính trị gia Mỹ. Ngay sau vụ việc, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi trừng phạt những hành vi bạo lực có yếu tố chính trị.
“Nước Mỹ không chấp nhận loại bạo lực này. Thật bệnh hoạn, đó là một trong những lý do chúng ta phải đoàn kết. Chúng ta không thể để điều này xảy ra. Chúng ta không thể dung túng cho hành vi này” – Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau vụ việc cựu Tổng thống Donald Trump bị bắn.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lên án vụ nổ súng là “vô nghĩa” và cho biết bà nhẹ nhõm khi nghe tin ông Trump không bị thương nghiêm trọng.
“Chúng tôi cầu nguyện cho ông ấy, gia đình ông ấy và tất cả những người bị thương và bị ảnh hưởng từ vụ xả súng vô nghĩa này. Bạo lực như thế này không có chỗ ở đất nước của chúng ta. Tất cả chúng ta phải lên án hành động ghê tởm này và làm phần việc của mình để đảm bảo không có thêm bạo lực” – bà Harris viết trên mạng xã hội X.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cũng cam kết sẽ tiến hành “một cuộc điều tra toàn diện” sau vụ ông Trump bị bắn. “Người dân Mỹ xứng đáng được biết sự thật. Chúng tôi sẽ yêu cầu Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle và các viên chức từ Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều trần trước các ủy ban Hạ viện càng sớm càng tốt” – ông Johnson nói.
Mỹ thắt chặt an ninh cho ứng viên tổng thống sau sự cố
Theo hãng tin AP, vụ nổ súng nhằm vào ông Trump là vụ ám sát tổng thống hoặc ứng cử viên tổng thống nghiêm trọng nhất ở Mỹ kể từ khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn năm 1981.
Mối nguy hiểm từ các vụ tấn công tại những chiến dịch tranh cử đã đe dọa nước Mỹ nhiều thập niên qua, giờ đây mối đe dọa này trở lại khiến Mỹ cấp tốc tăng cường an ninh.
Ngay sau vụ việc của ông Trump, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) Alejandro Mayorkas cho biết cơ quan này đang hợp tác với các đội ngũ tranh cử của ông Trump và ông Biden để đảm bảo an ninh cho hai ứng viên hàng đầu này.
“DHS và Cơ quan Mật vụ Mỹ đang làm việc với các đối tác thực thi pháp luật để ứng phó và điều tra vụ nổ súng. Chúng tôi lên án hành vi bạo lực này bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất. Chúng tôi đang hợp tác với Tổng thống Biden, cựu Tổng thống Trump và đội ngũ của họ để thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho các ứng viên” – theo tuyên bố của DHS.
Cơ quan này lưu ý rằng “duy trì an ninh cho các ứng cử viên tổng thống và các sự kiện vận động tranh cử là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của DHS”.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã tăng cường thắt chặt an ninh trên khắp TP New York, đặc biệt xung quanh khu vực toà nhà Trump Tower của cựu tổng thống sau khi ông bị tấn công, đài ABC News đưa tin.
Bang Wisconsin, nơi sắp diễn ra Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa với sự tham gia của khoảng 50.000 người theo dự kiến, cũng được siết chặt an ninh.
“Tôi và cấp dưới của tôi đang liên lạc với những người điều phối kế hoạch an ninh cho Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa và sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ về vấn đề này” – ông Tony Evers, Thống đốc bang Wisconsin, cho biết trên mạng xã hội X.
Tuyên bố chung từ đội ngũ tranh cử của ông Trump và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cho biết kỳ đại hội vẫn sẽ tiếp tục, không đề cập bất kỳ thay đổi nào về lịch trình hoặc quy trình an ninh.
“Tổng thống Trump mong muốn được tham gia cùng tất cả các bạn tại TP Milwaukee khi chúng tôi tiến hành đại hội để đề cử ông làm [ứng viên đại diện đảng cho vị trí] Tổng thống thứ 47 của Mỹ” – theo tuyên bố chung.
Theo truyền thông và giới quan sát, Mỹ cần thắt chặt hơn nữa an ninh trong bối cảnh làn sóng ủng hộ bạo lực chính trị đang gia tăng ở nước này. Tờ The Guardian dẫn một khảo sát toàn quốc do ĐH Chicago (Mỹ) thực hiện vào tháng 6 cho thấy 10% người Mỹ trưởng thành (tức khoảng 26 triệu người) ủng hộ bạo lực để ngăn ông Trump trở lại làm tổng thống, trong khi có 6,9% người Mỹ trưởng thành (18 triệu người) ủng hộ bạo lực để đưa ông trở lại Nhà Trắng – một mối đe dọa về an ninh đối với đối thủ của ông Trump là Tổng thống Biden.
“Các nhà lãnh đạo chính trị từ cả hai đảng và mọi cấp chính quyền, bao gồm Tổng thống, lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện, thống đốc và thị trưởng phải ngay lập tức lên án bạo lực chính trị từ bất kỳ phe phái chính trị nào” – GS Robert Pape tại ĐH Chicago nói với The Guardian.