Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị Nga coi là một sự leo thang. Do đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã vạch ra rào cản cho nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Time mới đây, Tổng thống Biden cho biết ông chưa sẵn sàng ủng hộ “NATO hóa Ukraine”, đồng thời nói thêm rằng mình đã chứng kiến ”vấn đề tham nhũng trầm trọng” ở Ukraine khi ông đến thăm với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ.
“Hòa bình, không có nghĩa là gia nhập NATO”, Tổng thống Biden lưu ý, đồng thời giải thích thêm rằng một phần của kế hoạch hòa bình ở Ukraine là xây dựng quan hệ với Kiev, bao gồm cả những đảm bảo an ninh sẽ dẫn đến việc “chúng tôi cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai”.
Đây là một đòn giáng mạnh vào các quan chức Ukraine, những người luôn thúc đẩy việc nhanh chóng gia nhập NATO. Tuần trước, tờ Financial Times của Anh tiết lộ rằng việc Ukraine không đạt được tiến bộ trong việc trở thành thành viên NATO là vấn đề chính tạo ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Ukraine.
Niềm hy vọng của Ukraine trong thời gian qua đang được đặt vào hội nghị của NATO tại Mỹ, dự kiến diễn ra từ ngày 9 – 11/7 năm nay, nhằm mang đến một tín hiệu rõ ràng hơn về tư cách thành viên của Ukraine.
Nhưng Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith, nói với các phóng viên rằng, Ukraine khó có thể nhận được lời mời trở thành thành viên tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu vào tháng 7 này, mà chỉ cam kết sẽ cung cấp gói an ninh làm “cầu nối” cho tư cách thành viên.
“Cầu nối này sẽ được xây dựng vững chắc và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp những người bạn Ukraine của chúng tôi, từng bước một, bước qua cây cầu đó để trở thành thành viên NATO”, bà Smith nói.
Tuy nhiên, việc từ chối kế hoạch thúc đẩy tư cách thành viên sẽ khiến hy vọng gia nhập NATO của Ukraine bị lung lay. Leo Litra, thành viên danh dự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nêu quan điểm: “Tổng thống Biden đang nỗ lực để không làm suy yếu cơ hội tái đắc cử của mình. Không ai ở NATO và đặc biệt là ở Mỹ, muốn phải kiểm tra Điều 5”.
Điều 5 của NATO đề cao nguyên tắc phòng thủ tập thể và sẽ buộc Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây phải triển khai lực lượng quân sự của mình để bảo vệ Ukraine nếu nước này gia nhập.
Giải pháp thay thế
Do đó hiện tại, Ukraine phải chấp nhận một loạt “đảm bảo an ninh”. Sau Tuyên bố chung được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 năm ngoái, Ukraine đến nay đã ký 15 hiệp định an ninh song phương với các nước thành viên NATO. Tất cả các thỏa thuận đều có nhiều cam kết khác nhau trong khoảng thời gian 10 năm tới.
Stefan Meister, người đứng đầu chương trình Đông Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho rằng thất bại trong cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái là một lời cảnh tỉnh lớn đối với phương Tây và những đảm bảo này sẽ cung cấp cho Ukraine “sự hỗ trợ an ninh và quân sự lâu dài đáng tin cậy hơn từ các quốc gia thành viên NATO”.
Một số quan chức Ukraine tin rằng những đảm bảo này là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi”. Ngay sau khi Ukraine ký thỏa thuận an ninh với Anh vào tháng 1 năm nay, Oleksandr Lytvynenko, người đứng đầu hội đồng an ninh Ukraine, đã bình luận với tờ Economist (Anh): “Các thỏa thuận về hợp tác an ninh đang dần đưa Ukraine vào không gian an ninh phương Tây mà không cần đến sự hiện diện của quân đội phương Tây trên lãnh thổ Ukraine”.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng một thỏa thuận an ninh Mỹ – Ukraine đang được thảo luận. Người phát ngôn này cho biết: “Thỏa thuận an ninh song phương của chúng tôi sẽ tập trung vào việc hỗ trợ phòng thủ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, xây dựng năng lực răn đe đáng tin cậy cho lực lượng của Ukraine trong tương lai và cung cấp các phương án ứng phó khẩn cấp trong trường hợp Nga tấn công trong tương lai”.
Trợ lý Tổng thư ký NATO David van Weel tiết lộ với các phóng viên tuần trước rằng một đề nghị sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7 năm nay là một thỏa thuận giữa NATO với Ukraine để mở rộng hợp tác về công nghệ quốc phòng và trao đổi thông tin tình báo liên quan đến khả năng tác chiến điện tử của Nga.
Tuy nhiên, chuyên Meister nhận định rằng việc thiếu các cam kết viện trợ quân sự ổn định sau năm 2024 phản ánh những thách thức hiện tại mà Ukraine cũng như các đồng minh phải đối mặt và cho thấy sự chia rẽ trong NATO.
Ông Meister cho biết những gói bảo đảm an ninh này là một phản ứng trước tình hình không có thỏa thuận nào giữa các quốc gia thành viên về việc Ukraine gia nhập NATO. Do đó, mỗi quốc gia thành viên NATO phải tự mình “lập kế hoạch nhiều hơn để hỗ trợ lâu dài cho Ukraine”.
Mặc dù đã có những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Ukraine từ các đồng minh NATO, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng những đảm bảo an ninh này sẽ không có giá trị mấy nếu không có cam kết về tư cách thành viên đầy đủ.
Nhà phân tích người Canada Michael MacKay bình luận trên X: Khi không có tư cách thành viên NATO đối với Ukraine, đảm bảo an ninh cho Ukraine chỉ là “những lời nói dối”. Trong khi Ukraine và một số thành viên NATO coi những thỏa thuận này là “công cụ chuẩn bị cho Ukraine trở thành thành viên NATO trong tương lai, “quan điểm chung, đặc biệt là ở Mỹ và Đức là việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là một sự leo thang đối với Nga”.
Theo ông Meister, những đảm bảo này là “lựa chọn tốt thứ hai mà Ukraine có thể có được vào thời điểm hiện tại – chúng có thể dẫn đến sự hội nhập vào NATO, nhưng vẫn còn rất xa mới đạt được điều này”.