Thế giới chao đảo
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu không hẳn bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga – Ukraine nhưng đây lại là nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Chiến sự cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga đã dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cung cấp dầu khí đã tồn tại trong nhiều thập niên, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu.
Chiến sự đã khiến các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như Shell, BP và Equinor nhanh chóng rút khỏi Nga, bất chấp việc phải từ bỏ hàng chục tỉ USD đã đầu tư ở đây. Nga đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách giảm dần nguồn cung dầu khí tới “các quốc gia không thân thiện” và yêu cầu thanh toán hợp đồng năng lượng bằng đồng rúp và cuối cùng là cắt nguồn cung dầu khí tới “lục địa già”.
Current Time0:00/Duration1:42Auto |
Khủng hoảng năng lượng có thể trầm trọng hơn trong năm 2023 |
Hậu quả tất yếu là giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm. Có thời điểm giá dầu lên tới gần 140 USD/thùng, gần bằng mức kỷ lục mọi thời đại (147,5 USD/thùng vào tháng 7.2008), đẩy châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào vòng xoáy lạm phát, dẫn đến cuộc khủng hoảng chi phí ở nhiều quốc gia. Giá năng lượng cao và không ổn định đang gây tổn hại cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, làm thay đổi lựa chọn nhiên liệu và cản trở tiến trình đạt được khả năng tiếp cận năng lượng phổ cập, dẫn đến sự cải tổ sâu sắc các luồng thương mại trên toàn thế giới và kinh tế toàn cầu đứng bên bờ vực suy thoái.
Trước tình hình này, không chỉ riêng châu Âu mà nhiều nền kinh tế trên thế giới đua nhau tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch (than đá) vẫn không thể bị thay thế trong một sớm một chiều và cũng không phải cứ muốn thay là có thể thay thế được. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn, làm trì hoãn các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu mà các nước châu Âu đã đề ra.