TẬP BẢN THẢO CỨU MẠNG
Câu mở đầu của Theodore Roosevelt hầu như không gây chú ý trong bài phát biểu tranh cử tổng thống: “Các bạn, tôi yêu cầu các bạn im lặng nhất có thể”. Tuy nhiên, câu thứ hai của ông là một quả bom. “Tôi không biết liệu các bạn có hiểu rõ rằng tôi vừa bị bắn hay không”.
Hết thảy khán giả tại Thính phòng Milwaukee vào ngày 14/10/1912, đã kinh hoàng, há hốc mồm khi cựu tổng thống cởi cúc áo vest để lộ chiếc áo sơ mi dính máu.
“Cần nhiều hơn thế để giết được một con nai sừng tấm”, ứng cử viên đang bị thương nói. Ông cho tay vào túi áo khoác và lôi ra một tập bản thảo dài 50 trang thủng vết đạn.
Tập bản thảo với lỗ thủng do đạn xuyên qua. Ảnh: NYT
Cầm tập bản thảo phát biểu đã chuẩn bị sẵn, với lỗ thủng lớn xuyên qua lớp giấy, Roosevelt tiếp tục: “May mắn thay là tôi có bản thảo, nên bạn thấy đấy, tôi sắp có một bài phát biểu dài, đó là nơi viên đạn xuyên qua, và có lẽ nó đã cứu tôi khỏi bị đạn găm vào tim. Bây giờ viên đạn đang ở trong người nên tôi không thể nói dài được nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Chỉ hai ngày trước đó, tổng biên tập của tờ The Outlook đã mô tả Roosevelt là “cục pin điện có năng lượng vô tận”, và trong 90 phút tiếp theo của buổi lễ, cựu tổng thống 53 tuổi đã chứng minh điều đó. “Tôi xin hứa với bạn, tôi không quan tâm đến việc bị bắn, đó không phải là một cú đòn”, ông khẳng định.
Ít ai có thể nghi ngờ Theodore Roosevelt về điều đó. Mặc dù giọng nói yếu đi và hơi thở ngắn lại, ông vẫn trừng mắt nhìn các trợ lý đang lo lắng của mình bất cứ khi nào họ cầu xin ông ngừng nói hoặc đứng xung quanh bục để đỡ ông nếu ông gục xuống. Chỉ khi bài phát biểu kết thúc sau 90 phút, ông mới đồng ý đến bệnh viện.