Theo tờ Wall Street Journal ngày 19/7, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có khả năng chứng kiến ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, dẫn đến những ảnh hưởng sâu rộng với an ninh châu Âu, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và cuộc xung đột ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang phải đối mặt với những thay đổi và thách thức này.
Việc ông Trump chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance làm người đồng hành tranh cử vào đầu tuần này đã củng cố thêm lo ngại ở châu Âu rằng sự trở lại của cựu Tổng thống Trump có thể dẫn đến giảm mạnh viện trợ của Mỹ cho Ukraine và thúc đẩy Kiev tham gia đàm phán hòa bình với Điện Kremlin. Đồng thời, Mỹ có thể chuyển hướng ưu tiên quốc phòng sang châu Á, buộc châu Âu phải tự lo cho mình nhiều hơn.
Tại cuộc họp hôm 18/7, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về những thách thức khu vực phải đối mặt nếu Mỹ rút lui, bao gồm việc liệu châu Âu có thể đoàn kết và tăng cường sức mạnh quân sự để hỗ trợ cho Ukraine không bị sụp đổ hay không.
Thủ tướng mới của Anh, Keir Starmer, đã tiếp đón 45 nhà lãnh đạo từ EU cùng các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine tại cuộc họp thứ 4 của Cộng đồng Chính trị châu Âu, một sáng kiến do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng sau cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022. Mục tiêu là tạo ra một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề an ninh và các mối đe dọa độc lập với Mỹ.
Chính thức, hội nghị tập trung vào các vấn đề như di cư và xây dựng khả năng phục hồi và cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, các quan chức cho biết các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng và những thách thức an ninh mà điều này sẽ đặt ra.
Ông Trump đã chỉ trích châu Âu vì không chi tiêu đủ cho quốc phòng và dựa vào sức mạnh của Mỹ trong NATO. Kể từ năm 2014, hầu hết các quốc gia châu Âu đã tăng dần chi tiêu quân sự nhưng vẫn chủ yếu dựa vào sự bảo vệ của Mỹ.
Cựu Tổng thống Trump từng đặt câu hỏi về sự cần thiết của NATO và nói rằng Mỹ dưới thời chính quyền do ông lãnh đạo sẽ không bảo vệ các quốc gia không đáp ứng mục tiêu chi cho quốc phòng tối thiểu là 2% GDP. Ông cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi về sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine và tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh mà không đưa ra chi tiết cụ thể.
Lo ngại về sự trở lại của ông Trump không chỉ giới hạn ở vấn đề an ninh. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News, ông Trump đã lặp lại lời đe dọa áp thuế thương mại mới lên EU, nói rằng các nước châu Âu “đối xử với chúng tôi một cách bất công”.
Hai phản ứng đối lập đối với ông Trump đã xuất hiện ở châu Âu, cả hai đều tìm cách đảm bảo độc lập trong hành động.
Một bên là Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông Orban cho rằng EU nên chuyển chiến lược Ukraine khỏi xung đột và hợp tác với ông Trump để chấm dứt giao tranh. Nhà lãnh đạo Hungary lập luận rằng điều này sẽ đặt EU vào trung tâm của các nỗ lực ngoại giao để định hình lại trật tự an ninh ở châu Âu và tránh các nỗ lực tốn kém khi hỗ trợ Ukraine nếu Mỹ rút lui.
Tuy nhiên, đối với hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu và ủng hộ Ukraine, họ cho rằng châu Âu nên tăng cường chi tiêu quân sự và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để tiếp tục hỗ trợ Ukraine và ứng phó với chính quyền Trump 2.0 có thể thành hiện thực.
Tháng trước, NATO cho biết 23 trong số 32 thành viên của liên minh hiện đang đạt mục tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Chi tiêu quân sự của các thành viên NATO, không bao gồm Mỹ, sẽ đạt 430 tỷ USD trong năm nay, tăng so với 250 tỷ USD vào năm 2014. Ngược lại, Mỹ chi 3,4% GDP cho quốc phòng, chiếm 2/3 tổng chi tiêu của NATO.
Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngờ về khả năng của châu Âu trong việc tăng chi tiêu quân sự nhanh chóng giúp Ukraine duy trì cuộc đối đầu với Nga và xây dựng lại năng lực quân sự của châu Âu mà không cần sự hỗ trợ lớn từ Mỹ.
Trong khi các công ty quốc phòng châu Âu đang tăng cường sản xuất đạn dược và các vật tư quân sự thiết yếu khác, các loại vũ khí và thiết bị quan trọng, bao gồm cả hệ thống phòng không, vẫn thiếu hụt và việc nâng cấp này sẽ mất nhiều năm.
Những nghi ngờ về khả năng hành động nhanh hơn của châu Âu đã gia tăng trong những tháng gần đây, khi một số quốc gia lớn, bao gồm Pháp và Đức, gặp phải khủng hoảng chính trị.
Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết các cuộc thảo luận “âm thầm” đã diễn ra giữa các bộ quốc phòng và ngoại giao châu Âu về cách củng cố khả năng răn đe của châu Âu mà không cần sự đóng góp lớn của Mỹ. Nhưng điều họ cần là một thứ mà họ có thể không còn nữa: thời gian. “Họ muốn có thêm 4 năm nữa”, ông Daalder nói, ám chỉ nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ.