Chiều nay 5/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án tại Tập đoàn FLC.
3 phút trước
Chiều nay 5/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án tại Tập đoàn FLC.
Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã xác định ông Trịnh Văn Quyết đã chủ mưu, chỉ đạo nâng khống vốn Công ty Faros từ mức khiêm tốn 1,5 tỷ đồng lên con số khổng lồ hơn 4.300 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên ba năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng cộng 21 năm tù.
Những con số đáng chú ý của vụ án
Ông Trịnh Văn Quyết bị dẫn giải tới tòa hôm 22/7
Ông Trịnh Văn Quyết cùng bảy người khác bị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
42 bị cáo còn lại đối mặt với các nhóm tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hơn 50 luật sư đã đăng ký bào chữa trong phiên tòa, trong đó riêng ông Trịnh Văn Quyết có bốn luật sư.
Trước đó, phiên tòa hôm 22/7 lập kỷ lục về số người được triệu tập, lên đến hơn 93.000 người.
Trong đó, có hơn 30.000 người bị hại và hơn 64.000 người liên quan, đều là những nhà đầu tư, từng mua cổ phiếu của ông Quyết.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng gần 50 đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Đặng Hải Yến, một trong bốn người bào chữa cho ông Quyết, con số bị hại thực tế chỉ là 133.
Luật sư bào chữa đã đặt ra nhiều nghi vấn về danh sách bị hại trong vụ án. Theo đó, luật sư chỉ ra rằng nhiều người trong danh sách bị hại đã bán cổ phiếu ROS và thậm chí còn thu lợi nhuận.
Dựa trên việc giá cổ phiếu ROS tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12/2021, luật sư cho rằng khả năng một số lượng lớn nhà đầu tư đã có lãi là rất cao.
Luật sư cũng nhấn mạnh rằng tiêu chí để xác định bị hại là việc còn giữ cổ phiếu F0 ROS. Do đó, những người đã bán hết cổ phiếu hoặc không còn giữ cổ phiếu F0 ROS sẽ không đủ điều kiện được coi là bị hại.
Nhóm luật sư bào chữa cho rằng việc xác định chính xác số lượng bị hại và thiệt hại là cực kỳ quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khung hình phạt và số tiền mà các bị cáo phải bồi thường.
Dựa trên những phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX chỉ công nhận tư cách bị hại cho 133 người với tổng số tiền thiệt hại hơn 2,2 tỉ đồng. Theo luật sư, với số tiền này, ông Trịnh Văn Quyết đã cơ bản hoàn thành nghĩa vụ bồi thường.
Tiếp thu kiến nghị của luật sư, VKS đã tiến hành rà soát và loại bỏ hơn 5.000 trường hợp trùng tên, dẫn đến việc giảm số lượng bị hại xuống còn hơn 25.000 người. Tuy nhiên, VKS vẫn không ghi nhận con số 133 bị hại mà luật sư của ông Quyết đưa ra.
Đến chiều 5/8, tòa xác định con số bị hại là 25.853.
Vụ án Tập đoàn FLC được đánh giá là một vụ “đại án” do quy mô khổng lồ của vụ việc.
Tính đến hôm 26/7, ông Quyết đã nộp hơn 237 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án theo ghi nhận của VKSND Tối cao.
Cơ quan tố tụng cũng xác định các bị cáo khác đã nộp hơn 6 tỉ đồng khắc phục hậu quả tính đến hôm 29/7.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng đề xuất sử dụng toàn bộ tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
4.300 tỷ đồng là số tiền mà cơ quan tố tụng đã xác định ông Quyết phải chịu trách nhiệm.
Ông Quyết mong cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi với các tài sản cá nhân đã và đang bị phong tỏa để ông có thể thực hiện bồi thường.
Từ họ hàng đến cán bộ nhà nước đều liên quan
Trước đó trong ngày xét xử đầu tiên vào hôm 22/4, nhiều bị cáo là người thân, anh em, cháu, thông gia của ông Trịnh Văn Quyết thừa nhận tội danh bị truy tố.
Qua lời khai, những người này không góp vốn và cũng không phải cổ đông của công ty Faros – được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng – mà chỉ được nhờ nhứng tên khi Faros tăng vốn điều lệ.
Các bị cáo này bị truy cứu về hành vi giúp sức ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc niêm yết và bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros.
Trong số 50 bị can, có 13 người là em ruột, anh em, cháu họ của ông Quyết.
Ngoài ra có hai người bạn và một người lái xe của ông Quyết.
Có tới sáu người thân, bà con của ông Quyết bị truy tố tới hai tội là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán” gồm:
- Bà Trịnh Thị Minh Huế là em gái ruột của ông Quyết. Bà Huế là cán bộ Ban Kế toán của Tập đoàn FLC, người được xác định là giúp sức cho ông Quyết tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
- Em gái thứ hai của ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS. Bà Nga cũng được cho là có vai trò giúp sức cho anh trai của mình thao túng giá chứng khoán.
- Chồng của bà Thúy Nga là ông Nguyễn Văn Mạnh, người phụ trách nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land. Ông Mạnh bị cáo buộc đứng tên sở hữu 20,9 triệu cổ phiếu trị giá 209 tỷ đồng, sau đó sử dụng tài khoản này mua bán, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
- Ông Trịnh Văn Đại, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros, là anh họ ông Quyết. Ông Đại đã ký khống nghị quyết, hợp đồng, chứng từ để bà Trịnh Thị Minh Huế sử dụng cho việc nâng khống vốn điều lệ tại công ty Faros.
- Cuối cùng là ông Trịnh Tuân, nguyên giám đốc Công ty FLC Land và bà Nguyễn Thị Hồng Dung lao động tự do. Hai người đều là bà con họ hàng của ông Quyết.
Bên cạnh đó, nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) phải hầu tòa.
Theo đó, có bốn cựu lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm:
- Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT
- Ông Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT
- Ông Trầm Tuấn Vũ, nguyên Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Niêm yết
- Bà Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết.
Ba cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước bị truy tố về tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”gồm:
- Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước
- Ông Dương Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam
- Ông Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Cách ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường
Theo VKSND Tối cao, từ tháng 5/2017 – tháng 1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán.
Sau đó, ông cùng đồng phạm tiến hành mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào lúc mở cửa và đóng cửa phiên giao dịch đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Nhóm của ông Quyết cũng đặt lệnh mua bán rồi hủy nhằm tạo cung cầu giả và thổi giá cổ phiếu, sau đó bán ra và thu lợi hơn 723 tỉ đồng.
Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quyết bị cáo buộc nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.
Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng.
Đến giai đoạn 2014-2016, ông Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số 1,5 tỷ lên đến 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
VKSND Tối cao cho rằng cán bộ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HOSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS.
Theo kết luận điều tra, hành vi của các bị can khiến nhà đầu tư chứng khoán lầm tưởng cổ phiếu ROS có giá trị thật.
Nhờ đó, ông Quyết bán ra 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, thành công chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng.