Được cởi trói, hy vọng đã quay lại với Kiev
Liên quan đến Ukraina, Le Nouvel Obs cho rằng « Hy vọng đã trở lại ». Nhiều nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ đã cho phép Kiev oanh kích các mục tiêu quân sự trên đất Nga bằng vũ khí do họ cung cấp. Đây có thể là thay đổi mang tính quyết định trong cuộc chiến.
Nhiều chiến lược gia đã chỉ trích họ trói tay người Ukraina, và rốt cuộc mười mấy quốc gia đã dỡ bỏ toàn bộ hay một phần những hạn chế. Hà Lan còn thông báo 24 chiếc F-16 được hứa chuyển giao có thể dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đó là do quân Nga đã chiếm được 180 kilomet vuông của Kharkiv. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), khi đặt ra những giới hạn, Mỹ đã tạo ra một vùng cấm ở đó Nga tha hồ tập hợp đội quân xâm lăng, phóng đi những quả bom lượn và hỏa tiễn để yểm trợ cho đợt tấn công mới.
Các nhà phân tích so sánh với tình hình Crimée. Khi sử dụng hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 kilomet, Ukraina có thể tấn công tất cả mục tiêu Nga tại bán đảo bị chiếm đóng năm 2014. Được nhìn nhận là lãnh thổ Ukraina, Crimée không bị Washington hạn chế, và các hoạt động của Kiev hiện nay nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên. Vấn đề quan trọng đến nỗi Vladimir Putin đầu tư phương tiện khổng lồ để giữ bằng được Crimée, được coi là một hàng không mẫu hạm trên đất liền.
Áp lực mới khiến bán đảo này đang là thế mạnh bỗng trở thành điểm yếu, giúp Ukraina một ngày nào đó có thể thương lượng với thế thượng phong. Hạm đội Hắc Hải chưa chi đã phải rút khỏi cảng Sébastopol, thu mình lại ở Novorossiisk. Theo tướng Ben Hodges, nhờ tin tức vệ tinh do NATO cung cấp cũng như người Ukraina nắm rõ địa hình, không có chuyển động nào ở Crimée mà Kiev không hay biết. Tướng Hodges cho rằng khi thời cơ đến, Ukraina có thể phá hủy cầu Kertch, trục quan trọng nối bán đảo với lãnh thổ Nga.
Crimée trở thành chiếc bẫy tử thần cho Matxcơva
The Economist khẳng định « Tại Crimée, Ukraina đánh bại Nga », và bán đảo đã trở thành một chiếc bẫy tử thần cho lực lượng của Kremlin. Rốt cuộc đã có tin vui từ Ukraina, gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden sau sáu tháng bị Quốc hội cản trở, có tác động tốt.
Hai tuần qua đợt tấn công của Nga vào Kharkiv đã bị mất đà, và Ukraina « đang biến Crimée thành nơi quân Nga không thể trú ngụ ». Đây là phần thưởng lớn cho Kiev. Lâu nay các cơ sở hậu cần, căn cứ không quân và hải quân Nga ở Sébastopol vẫn được dùng để khống chế miền nam Ukraina, phong tỏa việc xuất khẩu ngũ cốc, liên tục đưa quân và vũ khí tấn công. Tất cả nay đang bị Kiev đe dọa.
Một cuộc đổ bộ theo kiểu D-Day của Đồng minh thời trước để giải phóng Crimée hiện khó thể nghĩ đến. Nhưng theo Sir Lawrence Freedman, chiến lược gia Anh, điều quan trọng là Crimée nay trở thành nhược điểm của Nga vì có quá nhiều thứ phải bảo vệ. Nico Lange, cựu cố vấn bộ quốc phòng Đức cũng cho rằng chiến lược của Kiev vừa quân sự vừa chính trị, và đang bóp nghẹt hậu cần Nga.