Thế giới đã rất mệt mỏi, bất an trước cuộc xung đột khốc liệt, đẫm máu, kéo dài chưa thấy điểm dừng ở Ukraine và Trung Đông thì lại đứng trước nguy cơ một cuộc xung đột mới.
Bán đảo Triều Tiên bất ngờ trở nên nóng bỏng nhất trong vòng 70 năm qua, đến mức nhiều chuyên gia đánh giá, hai bên đang dần rơi vào tình thế “bên miệng hố chiến tranh”.
Dù căng thẳng leo thang, Hàn Quốc và Triều Tiên chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn toàn diện mà hậu quả rất khó lường. (Nguồn: AP)
Nóng bỏng vì đâu
Đường bộ, đường sắt liên Triều, biểu tượng cho cố gắng kết nối hai miền bị phá tung. Hơn thế nữa, tình trạng đối đầu còn được Triều Tiên luật hóa bằng việc sửa Hiến pháp, xác định Hàn Quốc là thù địch. Cùng với các tuyên bố rất cứng rắn, quân đội hai bên đặt trong tình trạng “đạn lên nòng”. Súng chưa nổ, nhưng những hành động ăn miếng trả miếng khiến cộng đồng quốc tế như ngồi trên đống lửa.
Sau Hiệp định đình chiến năm 1953, Hàn Quốc và Triều Tiên đi theo hai con đường trái ngược. Dù cố gắng tìm kiếm cơ hội tạo dựng quan hệ hợp tác, hòa giải, nhưng Bình Nhưỡng và Seoul không có lòng tin thực sự với nhau.
Bất chấp nỗ lực cấm vận của phương Tây, Triều Tiên công khai xác nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc bất an, nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh. Sau những động thái “mềm dẻo” không kết quả, Seuol chuyển sang lập trường cứng rắn hơn. Hai bên có những động thái theo kiểu ăn miếng trả miếng, khiến con đường thống nhất trở nên xa vời.
Trong nhiều năm, mong muốn phi hạt nhân hóa và tìm kiếm con đường thống nhất là hai nhân tố cơ bản giữ quan hệ liên Triều trong trạng thái nhùng nhằng, lúc căng, lúc chùng. Nay hai nhân tố đó có sự thay đổi lớn, nên các bên có tính toán mới với những ưu tiên khác.
Bên trong đã thế, bên ngoài lại đổ thêm dầu vào lửa. Thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ thiên về đối thoại, đàm phán để Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân đổi lấy dỡ bỏ lệnh cấm vận và giảm sức ép từ bên ngoài. Chính quyền Mỹ hiện nay theo đường lối cứng rắn, thiết lập liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, sẵn sàng triển khai “ô hạt nhân”, vây ép, răn đe Bình Nhưỡng. Mỹ và đồng minh không che giấu mục tiêu thay đổi Triều Tiên theo mô hình Hàn quốc.
Bình Nhưỡng có “con bài hạt nhân”, lại thêm tự tin khi mới ký kết hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện với Moscow. Trong đó có điều khoản quan trọng, hai bên sẵn sàng hỗ trợ quân sự khi bị xâm lược, an ninh bị đe dọa.
Với bối cảnh và những nhân tố đó, tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên nóng bỏng cũng không quá bất ngờ và không quá khó để giải thích. Vấn đề là tại sao lại nóng lên vào thời điểm này?
Thời điểm và những thông điệp
Các điểm nóng kéo dài nhiều năm, tháng, nhưng điểm đáng chú ý là gần như cùng leo lên nấc thang căng thẳng mới vào nửa cuối tháng 10/2024. Một trong những lý do cơ bản là nhắm đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn ít ngày nữa và đang vào hồi gay cấn. Sự lựa chọn của cử tri Mỹ sẽ liên quan đến chiến lược toàn cầu, chính sách đối ngoại của Washington trong nhiệm kỳ tới, nhất là trên những khu vực trọng điểm.
Dù do nguyên nhân khác nhau, đối tượng khác nhau, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine, Trung Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng khác đều liên quan đến sự đối đầu địa chính trị giữa các cường quốc và chiến lược, chính sách của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Mỹ đang gặp khó khi đồng thời đối mặt với hai điểm nóng ở Ukraine, Trung Đông và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thêm một cuộc chiến nữa ở bán đảo Triều Tiên sẽ càng chồng chất khó khăn, là điều ông chủ Nhà Trắng không muốn, vào lúc này.
Vì thế, xung đột, các điểm nóng đều có sự liên quan, tác động lẫn nhau. Căng thẳng ở khu vực này có thể buộc Mỹ và phương Tây phải giảm bớt sự chi viện, can dự ở khu vực khác. Trong lúc chính quyền Mỹ tập trung giải quyết những vấn đề đối nội, cuộc bầu cử phức tạp, không muốn chiến sự bùng phát ngoài vòng kiểm soát, thì các bên xung đột đều muốn tạo ra sự đã rồi, giành lợi thế lớn nhất có thể, sẵn sàng ứng phó với những biến động mới.
Không chỉ gửi thông điệp đến cử tri Mỹ, Bình Nhưỡng còn muốn khẳng định chính sách cấm vận, trừng phạt, răn đe của phương Tây đang và sẽ thất bại. Washington cần thay đổi chính sách chuyển hóa chế độ, chấp nhận hai nhà nước tồn tại lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Bán đảo Triều Tiên nóng ran trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang vào hồi gay cấn. (Nguồn: NBC)
Kịch bản chiến tranh
Cả Seoul và Bình Nhưỡng đều tuyên bố cứng rắn và có những hành động sẵn sàng ăn miếng trả miếng. Nhưng thực lòng họ chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột toàn toàn diện mà hậu quả rất khó lường.
Nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên sẽ phải đối đầu với Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia phương Tây khác. Bắc Kinh sẽ hỗ trợ, chi viện vũ khí, phương tiện, vật chất, nhưng vì lợi ích quốc gia, họ sẽ không đưa quân can dự trực tiếp như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên trước đây (1950-1953). Moscow vướng bận cuộc chiến, khả năng chi viện cũng có hạn.
Trong lúc thế giới đang tồn tại nhiều điểm nóng, duy trì tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” cũng là một cách phản ứng của Triều Tiên, buộc Mỹ và đồng minh phải cân nhắc, tính tới những nhượng bộ nhất định.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không chỉ là chuyện riêng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nó ảnh hưởng lớn đến chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Đằng sau điểm nóng đó là sự đối đầu giữa Mỹ và đồng minh với trục liên kết giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Bùng phát cuộc chiến dễ lôi kéo đồng minh, đối tác các bên vào cuộc, trong lúc họ còn nhiều mối bận tâm khác.
Giữ căng thẳng ở mức độ nhất định cũng có thể là cách thức để các nước lớn kiềm chế lẫn nhau và có những toan tính chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương và các khu vực khác. Vì thế, Bình Nhưỡng và Seoul không thể tự mình định đoạt có bùng phát thành xung đột toàn diện hay không.
Với ý đồ chiến lược của các cường quốc, tương quan thế và lực hiện nay, bùng phát xung đột toàn diện trên bán đảo Triều Tiên không hoàn toàn có lợi cho các bên. Vì thế, khả năng xảy ra cuộc chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ít khả năng xảy ra.
Nhưng như biểu tượng con đường kết nối liên Triều bị phá, cả Bình Nhưỡng và Seoul khó quay lại trạng thái trước đây. Giới hạn cũ bị vượt qua, chiến tranh thì không mong muốn, tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn kéo dài phức tạp.
Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cũng như xung đột ở các khu vực khác, phụ thuộc vào việc xử lý, kiểm soát mâu thuẫn của hai bên và sự chi phối, tác động của các cường quốc. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là các bên kiềm chế, không để tình hình vượt quá tầm kiểm soát. Các cường quốc không vì lợi ích của mình mà đổ thêm dầu vào lửa.